Là địa phương có bề dày truyền thống hiếu học và truyền thống khoa bảng, trong 845 năm tồn tại của nền giáo dục và khoa cử Nho học, tỉnh Vĩnh Phúc đã có 388 người đỗ khoa trường, trong đó có 86 vị đỗ hàng đại khoa hiện được lưu danh trên bảng đồng, bia đá và thờ tự trong Văn miếu Vĩnh Phúc. Từ năm 2017 đến nay, mỗi năm tỉnh đều tổ chức lễ tôn vinh các bậc tiên triết, tiên hiền, tiên thánh và danh nhân khoa bảng tỉnh Vĩnh Phúc. Tại buổi lễ này, đại diện các dòng họ có truyền thống khoa bảng đã làm lễ dâng hương, tưởng niệm và báo công với vị danh nho tiêu biểu của dòng họ mình.
Việc gặp gỡ, tôn vinh các dòng họ giàu truyền thống khoa bảng ở tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ nhằm tri ân các bậc tiên thánh, tiên hiền đã có công mở nguồn đạo học và các bậc danh nho từng đỗ đạt hiển vinh làm rạng danh cho quê hương và dòng họ; mà còn góp phần khơi dậy niềm tự hào cho hậu duệ thời nay về truyền thống hiếu học, trọng chữ nghĩa, trọng tri thức của ông cha mình. Việc làm ý nghĩa này đã khích lệ, động viên thế hệ con cháu hôm nay tiếp tục đề cao việc học, học ở mọi lúc, mọi nơi, học tập suốt đời, coi việc học là nhu cầu thiết thân như cơm ăn nước uống hằng ngày.
Ở nước ta, nhiều người thường biết đến Văn Miếu-Quốc Tử Giám Hà Nội, bởi đây là “kinh đô” khoa cử lâu đời nhất của dân tộc, nơi thờ tự các bậc danh nhân khoa bảng ưu tú dưới các triều đại phong kiến Việt Nam. Ngoài ra còn 10 địa phương hiện lưu giữ được truyền thống khoa bảng và lập văn miếu, gồm: Văn miếu Sơn Tây (thị xã Sơn Tây, Hà Nội), Văn miếu Tam Đới (tỉnh Vĩnh Phúc), Văn miếu Xích Đằng (tỉnh Hưng Yên), Văn miếu Mao Điền (tỉnh Hải Dương), Văn miếu Bắc Ninh (tỉnh Bắc Ninh), Văn miếu Nghệ An (tỉnh Nghệ An), Văn miếu Huế (tỉnh Thừa Thiên-Huế), Văn miếu Diên Khánh (tỉnh Khánh Hòa), Văn miếu Trấn Biên (tỉnh Đồng Nai), Văn Thánh miếu Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long). Như vậy, trên cả 3 miền Bắc-Trung-Nam của đất nước đều có văn miếu. Điều đó chứng tỏ bất cứ ở đâu ông cha ta cũng luôn coi trọng đạo học, đề cao truyền thống khoa bảng.
Những tên tuổi được lưu danh trên bảng đồng, bia đá và thờ tự trong văn miếu các địa phương được ví như ánh hào quang có sức lan tỏa hấp dẫn đối với hậu duệ. Tuy vậy, động lực lớn nhất của ông cha ta thời xưa đi học, đi thi chủ yếu nhằm mục đích đỗ đạt để ra làm quan và mang hiển vinh, phú quý về cho gia đình, dòng họ. Ước vọng đó là chính đáng, nhưng chưa hoàn hảo. Kế thừa có chọn lọc những giá trị giáo dục và khoa bảng thời xưa, việc học thời nay phải được nâng lên tầm cao mới, ý nghĩa mới là “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại” như lời Bác Hồ đã dạy. Bởi thế, mỗi dòng họ, mỗi gia đình ngoài việc duy trì, nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê hiếu học cho con em mình cần giáo dục, động viên thế hệ kế tiếp có động cơ học tập tích cực, nỗ lực rèn đức luyện tài, phấn đấu vì sự tiến bộ, vẻ vang của cả bản thân, gia đình, dòng họ và quê hương, đất nước.
ANH THẢO