Văn hóa học đường, một cụm từ xuất hiện cách đây chưa lâu và cũng chủ yếu trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hiện nay, các nhà nghiên cứu, tùy theo góc độ, mục đích nghiên cứu cụ thể đã đưa ra khá nhiều khái niệm về văn hóa và văn hóa học đường. Theo Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc ” Văn hóa học đường là hệ thống các chuẩn mực, giá trị giúp các cán bộ quản lý nhà trường, các thầy cô, các vị phụ huynh và các em học sinh, sinh viên có cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp”. Mục tiêu chung nhất của văn hóa học đường là xây dựng trường học lành mạnh – cơ sở quan trọng để đảm bảo chất lượng thật.
Nội dung của văn hóa học đường hiện nay của chúng ta rất phong phú, song có thể tóm tắt thành ba vấn đề cơ bản đó là: xây dựng cơ sở vật chất trường học khang trang, đạt chuẩn; xây dựng môi trường giáo dục trong nhà trường, trong ký túc xá hay nhà trọ, ở gia đình, nơi công cộng; xây dựng “văn hóa ứng xử”, “văn hóa giao tiếp”.
Khi phát động phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thiện Nhân đã nói rõ: phong trào này nhằm “thiết lập lại môi trường sư phạm với 6 đặc trưng là trật tự kỷ cương, trung thực, khách quan, công bằng, tình thương và khuyến khích sáng tạo, hiệu quả”. Đây là nội dung rất cơ bản của văn hóa học đường. Tác dụng tích cực của văn hóa học đường là xây dựng nhân cách cho học sinh, sinh viên chống lại lối sống tiêu cực. Chính vì thế, mỗi nhà trường cần phải xây dựng văn hóa học đường của mình.
Thuật ngữ “văn hóa học đường” xuất hiện chưa lâu, nhưng nội dung của văn hóa học đường thì các nhà trường ở Việt Nam từ xa xưa đã có và trở thành các truyền thống quý báu của dân tộc ta như: Tôn sư trọng đạo, kính thầy yêu bạn, nhất tự vi sư bán tự vi sư, kính trên nhường dưới,…; Ngày nay các nhà trường của chúng ta từ các cấp học mẫu giáo, phổ thông đến bậc đại học đa số đều kiên trì xây dựng từ năm này qua năm khác, từ thế hệ này qua thế hệ khác và thực tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong việc giáo dục nhân cách cho học sinh, sinh viên.
Tuy nhiên, thực tế biểu hiện của văn hóa học đường ở một số trường học đang còn nhiều vấn đề bức xúc, cần phải suy ngẫm. Chưa nói đến việc xây dựng cơ sở vật chất trường học khang trang, đạt chuẩn do điều kiện kinh tế hoặc diện tích xây dựng trường học của chúng ta ở một số địa phương còn nhiều khó khăn mà ta chỉ tạm bàn tới hai vấn đề: Xây dựng môi trường giáo dục và xây dựng văn hóa ứng xử, giao tiếp – những nội dung này không cần nhiều tiền cũng có thể làm tốt được. Bất cứ ai quan tâm đến giáo dục cũng có thể chỉ ngay ra được những nơi chưa tốt về môi trường giáo dục, chúng ta ai cũng thấy rất nhiều điều không phù hợp, thậm chí ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục, cụ thể như các hiện tượng: nói xấu người khác; dối trá, nói tục, chửi thề; cãi vã với cha mẹ, người trên; vô lễ với thầy cô giáo; xả rác bừa bãi; phá hoại môi trường; tiêu pha lãng phí; ham chơi lêu lổng, bỏ học, trốn học đi chơi game, trộm cắp; đánh nhau; ăn mặc hở hang, sống thử; coi thường pháp luật… diễn ra hàng ngày và ngày càng phổ biến trong các nhà trường. Có thể nói, bộ phận học sinh, sinh viên có những biểu hiện thiếu văn hóa dường như ngày càng tăng dần.
Văn hóa học đường là môi trường rất quan trọng để rèn luyện nhân cách và giáo dục thế hệ trẻ là những chủ nhân tương lai của đất nước trở thành những con người sống có hoài bão, có lý tưởng tốt đẹp, có nhân cách tốt, có đủ tri thức để trở thành những công dân tốt, đóng góp vào sự nghiệp xây dựng đất nước phồn vinh. Vì vậy vấn đề xây dựng văn hóa học đường phải được coi là có tính sống còn, tính cấp bách và thiết thực đối với từng nhà trường, vì nếu học đường mà thiếu văn hóa học đường thì không thể làm tốt được chức năng chuyển tải những giá trị kiến thức và nhân văn cho thế hệ trẻ.
Nói thì dễ nhưng để làm được điều này thì chẳng đơn giản chút nào, trước tiên các thầy cô giáo phải mẫu mực, các phụ huynh phải làm tấm gương trong cách giao tiếp hàng ngày và cùng kết hợp chặt chẽ với nhà trường trong việc giáo dục con em mình trong lối sống, văn hóa ứng xử, văn hóa giao tiếp, người lớn chúng ta không mẫu mực sao có thể bắt các em mẫu mực được; Bước thứ hai là mỗi nhà trường cần phải thực hiện tốt việc giám sát quản lý học sinh, sinh viên tại trường để các em tự giác thực hiện các nội quy, quy định của nhà trường, quy chế của Bộ GD & ĐT. Đối với các cấp học phổ thông GVCN và nhà trường cần có quy chế chấm điểm thi đua cho các lớp theo hàng ngày và hàng tuần, thưởng phạt học sinh phân minh nhưng không nên nặng nề và căng thẳng tạo ra tâm lý chống đối. Chúng ta cần giáo dục cho học sinh có nề nếp trong lối sống, có văn hóa ứng xử và văn hóa giao tiếp ngay từ khi còn nhỏ tuổi, nếu để các em lớn rồi mới ép vào nề nếp thì quả là việc quá khó khăn đối với các em, bởi vì khi đến tuổi vị thành niên trong độ tuổi 16 – 19 thì cuộc sống đã tôi luyện hình thành trong các em các thói quen, tính cách, có cả tốt và xấu, muốn thay đổi không phải dễ. Hơn nữa ở lứa tuổi này các em chưa phải người lớn nhưng cũng không còn trẻ con, do đó phải tìm phương thức giáo dục thích hợp hơn.
Đối với bậc giáo dục đại học thì các em đã trưởng thành và tự ý thức được việc mình làm đúng hay sai, tốt hay xấu. Tuy nhiên nhà trường và đoàn thanh niên cũng rất nên quan tâm đến việc xây dựng văn hóa học đường để giáo dục và hướng các em tới chân, thiện, mỹ, giúp các em hoàn thiện bản thân mình. Đoàn Thanh niên, GVCN, Ban Quản lý KTX cần đề ra các tiêu chí cụ thể, việc làm thiết thực, tăng cường tuyên truyền và khuyến khích sinh viên tự giác rèn luyện lối sống lành mạnh, xây dựng môi trường giáo dục có văn hóa trong ứng xử và giao tiếp. Thí dụ như không nói tục, chửi thề, giữ gìn trật tự và vệ sinh nơi công cộng, xếp hàng chờ đến lượt không chen lấn xô đẩy tại những nơi công cộng, ăn mặc phù hợp, không uống rượu say, không đánh bạc, không gian lận trong học tập thi cử,.. ; đối với các nội quy, quy định thì cần phải có chế tài xử phạt để sinh viên tự giác thực hiện, đồng thời giúp các em hình thành những thói quen tốt.
(NVT)