Dân tộc nào cũng có nguồn gốc xuất xứ riêng. Dân tộc Dao cũng vậy, nguồn gốc xuất xứ được ghi chép trong sách cổ chữ nôm Dao. Đặc biệt trong “Bình Hoàng Khoán Điệp” và “Quá Sơn Bảng văn” ghi chép rõ nguồn gốc xuất xứ Thủy Tổ Bàn Vương. Bàn Vương là nhân vật huyền thoại Thủy Tổ của người Dao được nhắc tới trong chuyện kể dân gian, thần tích và truyện thơ. “Quá Sơn Bảng văn” ghi rõ cuộc hành trình muôn vàn khó khăn gian khổ vượt biển, vượt núi, vượt sông. Điều này được phản ánh rõ trong phong tục, nghi lễ của người Dao, ghi lại rất tỉ mỉ trong sách cổ người Dao di cư sang Việt .
Dân tộc Dao có nền văn hóa, tín ngưỡng rất đa dạng và phong phú, trong đó chữ viết là chữ Nôm Dao. Theo nhiều nhà khoa học trong nước và trên thế giới khẳng định chữ Nôm Dao có nguồn gốc từ chữ Hán du nhập vào nước ta, đã được cải biên thành chữ Nôm đọc thành tiếng Dao trở thành chữ Nôm Dao. Chữ Nôm Dao phát triển và tồn tại hàng ngàn năm, các nhà khoa học hiện chưa xác định được, chỉ biết rằng từ bao đời nay người Dao đã coi đây là chữ viết của dân tộc mình.
Sách cổ người Dao rất đa dạng và phong phú, mỗi làng người Dao xưa kia sách cổ được lưu giữ tại nhà của người làm thầy tào, thầy cúng. Nội dung sách khá phong phú, gồm nhiều loại hình, bên cạnh giá trị hướng dẫn thực hành đạo giáo, còn có giá trị bảo tồn phong tục tập quán, nghi lễ của người Dao. Nhờ có sách cổ các tri thức dân gian được ghi chép, truyền lại cho thế hệ sau. Sách cổ người Dao là công cụ truyền dạy kinh nghiệm ứng xử, các mối quan hệ xã hội, sách giáo huấn răn dạy làm người. Sách cổ người Dao còn là nguồn tư liệu phong phú trong việc nghiên cứu quá trình hình thành và phát triển của chữ Dao. Trong quá trình giao lưu văn hóa, sách cổ người Dao phản ánh sự tiếp nhận của các ngôn ngữ của tộc người láng giềng tạo thành văn tự Dao. Phản ánh nguồn gốc lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Dao, hay ghi chép gia phả của từng dòng tộc, dòng họ cụ thể. Qua đó lý giải tục cúng Bàn Vương – vị Thủy Tổ mà người Dao gọi là thánh “Piền Hùng sính tía” vị thánh lớn nhất của người Dao. Sách cổ kể lại quá trình thiên di gian nan, vất vả của dân tộc Dao cũng như tinh thần đấu tranh bất khuất trong việc chinh phục thiên nhiên, chống ngoại xâm. Mỗi dòng họ, mỗi gia đình với ý thức hệ sâu sắc, bền vững rằng tất cả người Dao đều là con cháu Bàn Vương dù ở đâu cũng thống nhất và đồng nhất về tín ngưỡng, văn hóa, ngôn ngữ và các phong tục tập quán. Những cuốn sách cổ của người Dao lưu trữ lượng trí thức khổng lồ. Tất cả những trí thức thiên – địa – nhân đều có ở mỗi cuốn sách chuyên sâu về một lĩnh vực như tín ngưỡng, thờ cúng, ma chay, tổ chức lễ hội, cấp sắc, hướng dẫn làm nông nghiệp, nắm bắt quy luật thiên nhiên, địa lý, giáo dục nhân cách làm người, tình cảm vợ chồng, cha con, trai gái, anh em, làng xóm, sách về bài thuốc và cây thuốc gia truyền, sách về thơ ca các loại, sách xem phong thủy, xem ngày tốt xấu, chiêm tinh, tướng số, sách dạy và học, sách về lịch sử hình thành và phát triển của dân tộc Dao… Sách cổ người Dao về giáo dục nhân tâm rất chi tiết và kỹ lưỡng, vì nó là căn cội là cơ bản của nhân tính con người. Giáo dục đạo đức (tính hiếu học, hiếu thảo, kính trọng cha mẹ, chăm chỉ, cần cù, kiên nhẫn trong công việc; lên án những thói hư tật xấu). Sách cổ người Dao chứa đựng một giá trị văn hóa lớn, một kho di sản về tín ngưỡng, văn hóa truyền thống cũng như quan điểm giáo dục người Dao xưa.
Thầy tào, thầy cúng của người Dao là “trí thức” của dân tộc Dao, là người lưu giữ và khai thác kho sách cổ vô cùng quý giá này. Đặc biệt sâu sắc và thấm thía là những câu chuyện cổ dạy ứng xử, dạy làm người, hướng con người vào cách sống chân, thiện, mỹ, tránh những thói hư, điều xấu, chống lại cái ác. Những câu chuyện này không những mang tính giáo dục mà còn mang tính cách văn học rất cao, là cẩm nang trong việc dạy dỗ con cái, tình đoàn kết anh em, biết kính trên nhường dưới, hiếu nghĩa với cha mẹ…
Bộ sách dạy và học chữ nôm Dao được lưu giữ trong các nhóm, ngành Dao tại Việt . Qua nghiên cứu, thấy rằng trong sách dạy và học chữ nôm Dao được sáng tác bằng thơ chữ nôm Dao với nhiều thể loại, gồm 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ, 7 chữ. Lời thơ mộc mạc, dễ đọc, dễ hiểu, nội dung khuyên dạy con người sinh ra muốn thành người là phải chăm học, chăm làm, trước tiên là phải học chữ thì mới hiểu được nghĩa lý để tu thân, tích đức làm người…
Bộ sách gồm 9 quyển, được các thầy “trí thức” chữ nôm Dao đại diện cho 16 tỉnh thành phố có cộng đồng người Dao Việt Nam sinh sống, tham dự Hội thảo về “Phương pháp dạy, học và bộ sách dạy, học chữ Nôm Dao do Trung tâm Phát triển bền vững miền núi tổ chức tại Hà Nội, từ ngày 30/06 đến 02/07 năm 2016, thống nhất nội dung và xếp theo thứ tự:
Quyển 1 “San chú chông” (Tam tự kinh), Quyển 2 “Khai thiên tý” (Khai thiên địa), Quyển 3 “Chảng cấu” (Thượng Cổ), Quyển 4 “Khai thiên lỷ tý” (Khai thiên lập địa), Quyển 5 “So khai chio thiên tý” (Sơ khai tạo thiên địa), Quyển 6 “Thiên chú chông” (Thiên tự trọng), Quyển 7 “Thiên chú” (Thiên tử), Quyển 8 “Sẻ dìn” (Thuyết nhân), Quyển 9 “Hiền vần” (Hiền nhân).
Trong bộ sách có 9 quyển thì Quyển 1 “San chú chông” là quyển vỡ lòng, đến các quyển sau nâng cao dần.
Về phương pháp dạy và học: – Bước đầu học chữ Nôm Dao rất khó, đòi hỏi người học phải kiên trì, chịu khó mới tiếp thu được. Tại sao người Dao từ xưa dạy và học chữ nôm Dao không phải mở trường, lớp tập trung mà vẫn duy trì được chữ Nôm Dao trao truyền từ đời này sang đời khác. Câu hỏi này rất khó để trả lời, nhưng tôi là người con dân tộc Dao được sống trong gia đình, dòng họ có người làm thầy tào, thầy cúng, cho nên tôi cũng được chứng kiến và hiểu được phần nào về phương pháp truyền dạy của các bậc ông cha. Cha truyền con nối là phương pháp truyền dạy hiệu quả nhất. Khi người con trai sinh ra đến khi biết nói, người cha dùng những câu thơ ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thuộc đọc cho trẻ nghe và trẻ đọc theo, khi con trẻ quen dần và ham mê thì bắt đầu hướng đứa trẻ học cách viết những từ ít nét để trẻ học và học mãi tự mình thấy ham học. Các cụ rèn luyện con cháu học rất nhiệt tình và kiên trì. Đã là người con trai dân tộc Dao, từ khi còn trẻ thơ đã được cha, ông, chú, bác trong dòng họ biết chữ và là người làm thầy cúng truyền dạy cho con cháu để bảo tồn và giữ gìn chữ viết của dân tộc mình. Học vừa để hiểu biết lý lẽ, vừa để đào tạo con cháu dân tộc Dao phấn đấu trở thành người biết làm thầy cúng tổ tiên và Bàn Vương, biết làm thầy cấp sắc để nối dõi tông đường. Đứa trẻ từ khi biết nói thành thạo đã được nghe ông cha truyền dạy bằng quyển “Sơ khai thiên tý” (Sơ khai trời đất) hay bài thơ “Chạp cháng dung” (Bài ca sáu mươi hoa giáp), đây là những câu thơ mà con trẻ người Dao thường thích học và tìm hiểu. Chỉ dịch nghĩa vài câu trong khổ đầu của bài “Sú khai thiên tý” (Sơ khai thiên địa) cũng thấy được sự học chữ Nôm Dao của người Dao được trân trọng như thế nào: “Sú khai thiên tý/Chí lỉ khiền khuôn/Sú sỉ lài váng/Sỉ tủ su vần/Tủ su chi lý/Cháo huấn chú suân/ Séo niền pú dỏ/Diếu hủ kỳ sin/Tủ su lán tó/chio khí chiều dìn”…
Dịch nghĩa: Từ khi khai thiên lập địa, lập ra kinh sách, bốn phương truyền lại, học chữ biết lý, dạy cho con cháu, trẻ mà không học, không gì phòng thân, học mà lười biếng, có việc nhờ người… Với mỗi câu chỉ bốn chữ thành vần thơ rất dễ thuộc, lúc đầu đọc theo, mặc dù chưa biết chữ, nhưng những câu thơ đã học thuộc lòng, dần dần hiểu nghĩa rồi đến viết thành chữ, cứ thế đọc nhiều thấm nhiều, viết mãi cũng thành chữ, đó là lòng ham mê học chữ Nôm Dao của giới trẻ sáng dần từ đó. Một khi đã ham mê thì ôn luyện trong mọi lúc, mọi nơi, kể cả trong lao động sản xuất, trong lúc nghỉ ngơi hay trong ngày lễ tết, người già, người trẻ tập trung lại trong nhà của người thầy chữ Nôm Dao để học nâng cao dần. Con cháu người Dao đời tiếp đời luôn kính trọng ông cha và Thủy Tổ của mình là Bàn Vương, cho nên được ông cha phù hộ độ trì để con cháu học và giữ gìn chữ Nôm Dao để bảo tồn và phát huy văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc Dao mãi mãi trường tồn.
Nội dung trong bộ sách dạy và học chữ Nôm Dao trong mỗi quyển có kiến thức khác nhau, càng học càng thấy bổ ích. Là người dân tộc Dao chưa được học và nghiên cứu thì cảm thấy trong đời mình còn thiếu một cái gì đó về văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc mình mà chúng ta không hiểu được. Đó là sự thiệt thòi đối với người con cháu dân tộc Dao, dù người đó có thể là nhà trí thức, nhà khoa học, người làm quản lý hay nhà doanh nghiệp…
Từ khi Bàn Cổ mở trời đất
Tam Hoàng, Ngũ Đế tạo nhân gian
Ít nhiều người xưa đều trung hiếu
Cha mẹ trung hiếu với triều đình
Người xưa đã nói con hiếu thuận
Mà nay lại nói bậc con cháu
Phụng dưỡng người già nghe lời xưa
Đời sau nghe lời cha mẹ dạy
Cha gọi, mẹ nói phải ưng ngay
Chẳng cần cao giọng thưa cha mẹ
Thưa mà cao giọng trời đất đen
Mắt nhìn thời gian trên đầu mẹ
Cha là trời, mẹ là đất
Chẳng thấy cha mẹ dạy dỗ ai
Cha mẹ khi còn chẳng hiếu thuận
Chết rồi mới khóc kêu đau lòng
Cả hai dòng sông đều cạn kiệt
Tương lai trong miệng ngậm bàn tay…
Với bộ sách dạy và học chữ Nôm Dao giúp cho người Dao sinh sống tại tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh có đồng bào Dao làm cẩm nang để sử dụng trong việc mở lớp dạy và học chữ Nôm Dao. Mong rằng là người dân tộc Dao phải biết trân trọng nguồn gốc tổ tiên của mình. Bởi vì trải qua biết bao đời ông cha ta đã vượt ngàn vạn gian khổ sáng tạo ra chữ Nôm Dao và bảo tồn, duy trì được như ngày nay. Nhưng trong quá trình hội nhập hiện nay bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Dao như tiếng nói, chữ viết, trang phục và những phong tục tập quán, tín ngưỡng tốt đẹp nếu không tự mình bảo tồn và phát huy sẽ ngày càng mai một. Là người dân tộc Dao muốn khai thác, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình phải học chữ Nôm Dao. Mong rằng là người con dân tộc Dao bất kỳ tầng lớp nào, ít nhiều cũng phải học hiểu được nội dung ý nghĩa của bộ sách này.
Vì vậy thế hệ trẻ người Dao phải tự giác học, học ở mọi nơi, mọi lúc. Là những người cán bộ, công nhân, viên chức nhà nước, hay doanh nhân không phân biệt nam, nữ dân tộc Dao cũng phải học, mới có thể góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao.
Đảng, Nhà nước ta đã có chủ trương và chính sách rất đúng đắn để bảo tồn, xây dựng và phát huy nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, trong đó dân tộc Dao vinh dự được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch công nhận chữ Nôm Dao, lễ Cấp sắc, hát Páo dung và lễ Nhảy lửa là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Do đó không ai khác, là con cháu dân tộc Dao phải tự mình giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Muốn vậy phải học biết chữ Nôm Dao mới có khả năng khám phá và bảo tồn chữ viết của mình. Học theo nhiều biện pháp và hình thức cho phù hợp với điều kiện của từng người. Trước hết phải yêu văn hóa truyền thống của dân tộc mình, tự học, mở lớp học theo làng bản, theo dòng họ; mở lớp bồi dưỡng cho những người thầy cúng “trí thức” Dao để thống nhất phương pháp cách thức dạy và học chữ Nôm Dao. Nên chăng chúng ra cần tăng cường mở lớp dạy và học cho cán bộ, công nhân viên chức hiểu biết thêm về chữ Nôm Dao.
Tháng 7/2016